Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng bùng nổ dân số. Mật độ dân số của nước ta ngày càng cao, nhất là tại các đô thị lớn. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số thành thị của nước ta sẽ đạt gần 56 triệu người vào năm 2050, mức độ đô thị hóa đạt 54%, cao hơn hầu hết các quốc gia đang phát triển. Đi đôi với thực trạng này, ngày càng nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng. Trong một dự án như thế, thường có hai phần chính: Phần xây dựng (Kết cấu và hoàn thiện) và Phần Cơ Điện (M&E – Mechanical & Electrical) chiếm khoảng 30-50% tổng khối lượng dự án. Như thế, hoạt động kinh doanh Cơ điện là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế và có mối quan hệ mật thiết với ngành xây dựng, cụ thể trong đó là các mảng đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại và công nghiệp, đầu tư phát triển bất động sản bởi có liên quan đến hoạt động thi công công trình. Có thể thấy rằng, đây là ngành kinh doanh mang tính đặc thù riêng và được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức.
M&E là viết tắt của Mechanical & Electrical (hiểu theo tiếng việt nghĩa là Cơ khí & Điện người ta thường viết tắt là ngành kỹ sư Cơ điện).
Hệ thống M&E được chia làm bốn hạng mục chính:
- Hệ thống thông gió và điều hòa không khí ( Heating Ventilation Air Conditioning, gọi tắt là HVAC).
- Cấp thoát nước và thiết bị vệ sinh ( Plumbing & Sanitary, gọi tắt là P&S).
- Phần Điện ( Electrical).
- Hệ thống báo cháy và chữa cháy ( Fire alarm & Fire fighting).
Trong 4 hạng mục trên thì phần Điện chiếm khoảng 40-60% khối lượng phần M&E (Tùy từng dự án, thậm chí có thể lên tới 70,80%). Phần Điện lại chia thành Điện nặng và Điện nhẹ.
Điện nặng bao gồm:
- Main power supply: là hệ thống cấp nguồn chính, bao gồm các tủ trung thế, đường dây trung thế, máy biến áp 24kV/0.4kV và các tủ đóng cắt chính ( gọi là MSB, main switch board). Có thể có thêm (Hệ thống tự động điều chỉnh điện áp: Automatic Voltage Regulator System, gọi tắt là AVR).
- Hệ thống các tủ điện phân phối: Submain power supply (bao gồm cấp điện cho động lực, sản xuất, chiếu sáng, ổ cắm…).
- Hệ thống chiếu sáng sinh hoạt: Lighting.
- Hệ thống ổ cắm: Socket outlet.
- Hệ thống chiếu sáng sự cố: Emergency lighting ( đèn exit, đèn emergency).
- Hệ thống tiếp địa: Earthing system ( or grounding system).
- Hệ thống chống sét: Lightning protection system ( bao gồm các cọc tiếp địa và kim thu sét, khác hệ thống tiếp địa).
Điện nhẹ bao gồm:
- Hệ thống mạng Lan và Internet: Data network system.
- Hệ thống điện thoại: Telephone system.
- Hệ thống an ninh giám sát: Security & Supervisior system.
- Hệ thống PA ( public address system) ….
Phần Cơ gồm ba hạng mục còn lại. Đây là bộ phận thi công lâu và khó khăn hơn nhiều so với phần Điện, đòi hỏi nhà thầu thi công cần phải có đầy đủ kinh nghiệm và chuyên môn để thiết kế và thi công sao cho hợp lý nhất và tiết kiệm chi phí nhất mà vẫn đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của công trình.
CẠNH TRANH TRÊN THỊ TRƯỜNG M&E
Đặc điểm cần có của doanh nghiệp hoạt động trong ngành
Điều kiện cần để các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong ngành là có vốn đầu tư ban đầu khá lớn vào hệ thống cơ sở vật chất, máy móc thiết bị và nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật chuyên biệt. Cụ thể hơn, hoạt động thi công cơ điện luôn đòi hỏi một nguồn vốn lớn để đầu tư máy móc thiết bị, tạm ứng và thanh toán hợp đồng/đơn hàng lớn. Hầu hết các doanh nghiệp thường sử dụng đòn bẩy tài chính nên có tỉ trọng vốn vay lớn. Nên những thay đổi về lãi suất, hạn mức tín dụng hay động thái của ngân hàng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của các doanh nghiệp thi công cơ điện. Về lao động, lao động là quản lí và các kĩ sư có chất lượng trong lĩnh vực vẫn là vấn đề làm nhức đầu nhiều nhà quản lí trong ngành.
Rào cản thâm nhập thị trường
Sức hấp dẫn của ngành rất lớn, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đầu tư bất động sản có thể đăng kí thêm dich vụ, hoạt động kinh doanh thêm mảng Cơ điện. Rào cản gia nhập thị trường ở mức vừa phải, các doanh nghiệp mất thời gian đầu tư máy móc, công nghệ thi công; thiết lâp nhóm đội ngũ kĩ sư, thiết lập quan hệ với các đối tác cung ứng thiết bị vật tư chất lượng; thực hiện xúc tiến khách hàng và làm thị trường. Cũng nhiều nhà thầu nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) có ý định thâm nhập thị trưởng Việt Nam.
Một số Nhà thầu Cơ điện uy tín trên thị trường
Trong hai thập kỉ gần đây, ngành xây dựng, phát triển bất động sản, trong đó có thi công cơ điện gặp nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn về lĩnh vực xây dựng được thành lập và đi vào hoạt động. Thi công hệ thống cơ điện (M&E) có tiềm năng phát triển lớn nhưng chứa đựng nhiều rủi ro, nhiều đối thủ, áp lực cạnh tranh lớn.
Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng qua báo cáo đánh giá các năm cả Bộ Xây dựng, có thể thấy rằng hoạt động đầu tư xây dựng ở Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh cả về số lượng công trình lẫn loại hình sản phẩm với sự tham gia của nhiều nhà thầu trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường (2013-2015), tốc độ tăng trưởng ước tính của ngành xây dựng là khoảng 4,4%/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu quốc tế BMI (Business Monitor International Research), tăng trưởng của ngành này ước tính đạt 9,85% trong năm 2016. Dự báo của BMI cũng cho thấy ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp ước tính tăng trưởng bình quân 6,6%/năm trong giai đoạn 2017-2025. BMI cũng đánh giá rằng các nhà thầu xây dựng nước ngoài có mặt ở hầu hết các công trình nhà ở, khách sạn, tổ hợp thương mại có giá trị thi công cao tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), số lượng nhà thầu xây dựng của Việt Nam là rất lớn. Ước tính có khoảng 150000 nhà thầu xây dựng, trong đó, 2000 nhà thầu có quy mô lớn và vừa. Trung bình, cứ 2,2 km2 lại có một nhà thầy xây dựng. Điều này cho thấy thị trường xây dựng tại Việt Nam vô cùng sôi động và đầy tính cạnh tranh.
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Theo Vietnam Report, uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cụ thể bao gồm: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…); Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng. Bên cạnh đó, khảo sát chuyên gia, khách hàng, doanh nghiệp cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành. Như vậy, có thể thấy thị trường Cơ Điện tại Việt Nam hiện nay đang bị thống trị bởi các ông lớn trong ngành, có thể kể đến như REE, Sesrefico, Hawee,…
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH
Môi trường chính trị, pháp luật
Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước vô cùng quan tâm đến ngành xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực thi công công trình, cơ điện. Bằng chứng là trong những năm qua, hàng loạt văn bản và chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển các công trình xây dựng ra đời như: Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg về định hướng Quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam đến năm 2020, sau này được sửa đổi bổ sung thành “Các định hướng quan trọng về Xây dựng của Việt Nam đến năm 2010 và 2020”; Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 về Phê duyệt Chương trính phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng,…Thêm vào đó, hệ thống Luật pháp và các văn bản dưới luật liên quan đến đầu tư xây dựng đã sửa đổi và hoàn thiện như: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Nhà ở số 65/2014/QH13; Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13,…Hơn nữa, thể chế kinh tế đã xác định đẩy mạnh kinh tế tư nhân là động lực phát triển nền kinh tế. Như vậy, các điều kiện về thể chế và môi trường chính trị hết sức thuận lợi cho hoạt động kinh doanh dịch vụ Cơ điện công trình. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý rằng hoạt động đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của chính sách cắt giảm đầu tư công.
Môi trường kinh tế
Kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định, kèm theo đó, ngành xây dựng với mảng thị trường Bất động sản và thi công cơ điện cũng đang có triển vọng phát triển tốt. Một nền kinh tế tốt tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển các công trình nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại hay các công trình công nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đây là những cơ sở quan trọng tạo đà và các điều kiện phát triển kinh doanh thi công Cơ điện. Cần lưu ý rằng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp thiết bị, dịch vụ Cơ điện lại chịu ảnh hưởng đặc thù liên quan đến lĩnh vực hoạt động ngành. Theo đánh giá, hoạt động của các ngành công nghiệp phụ trợ (thiết bị, máy móc, biến áp,…) tại Việt Nam có sự biến động thất thường, suy giảm do các chính sách hỗ trợ không phù hợp.
Môi trường văn hóa, xã hội
Quy mô và cơ cấu dân số nước ta có tác động lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng và các hoạt động kinh doanh dịch vụ thi công Cơ điện. Dân số Việt Nam là khoảng hơn 95 triệu người, đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới. Mật độ dân số trung bình của Việt Nam là 305 người/km2, dân cư đô thị chiếm 33,6% tổng dân số (Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, 2016). Dân số Việt Nam liên tục tăng sẽ tạo áp lực về nhu cầu nhà ở, các công trình bất động sản phục vụ sản xuất và các nhu cầu phát sinh khác. Thêm vào đó, sự di dân cơ học tăng cao làm cho nhu cầu này càng cao tại các đô thị. Thu nhập trên đầu người của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, đảm bảo khả năng chi trả việc mua nhà và các tiêu dùng khác. Tất cả các yếu tố trên đây góp phần tác động đến sự tăng trưởng của ngành xây dựng và bất động sản, qua đó tác động đến hoạt động kinh doanh Cơ điện công trình.
Môi trường khoa học kỹ thuật và công nghệ
Nhờ có sự phát triển khoa học công nghệ thông tin mà lĩnh vực cơ điện sẽ có cơ hội áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại vào việc thi công, lắp đặt. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi cách thức cập nhật thông tin, doanh nghiệp có thể trao đổi điều hành, thiết kế và thi công, tiếp nhận ý kiến khách hàng, điều phối công việc một cách thuận tiện hơn.
XU THẾ VÀ SỰ THAM GIA CỦA NƯỚC NGOÀI
M&E là một ngành hết sức triển vọng bởi tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam là rất cao, đặc biệt khi ngành công nghiệp, xây dựng, bất động sản đang tăng trưởng chóng mặt. Theo số liệu thống kê, doanh thu trung bình của Top 5 Nhà thầu M&E năm 2016 đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trung bình đạt gần 270 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý rằng, lĩnh vực Cơ điện còn khó tiếp cận với Việt Nam, nên hầu hết các ông lớn trong ngành lại là các nhà thầu nước ngoài có tiềm lực mạnh, chuyên môn cao. Chỉ mới có một số ít doanh nghiệp nội với tên tuổi thực sự nổi bật như REE hay SRF sẵn sàng đảm nhận các công trình lớn. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nhà thầu xây dựng lớn đang trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong cả lĩnh vực M&E này bởi sự áp dụng phổ biến của hình thức D&B (Thiết kế & Thi công) khi các nhà thầu chính có khả năng thi công hầu hết các phân đoạn của dự án và sử dụng ít thầu phụ, trong đó có cả phần Cơ điện. Ưu điểm của hình thức D&B là tính chủ động về thiết kế, quản lí tốc độ dự án giúp tối ưu hóa quá trình thiết kế để tiết kiệm chi phí. Mô hình này lại có nhược điểm là đòi hỏi nhà đầu tư phải có bộ máy hoạt động thật sự chuyên nghiệp.
Như vậy,với sức hấp dẫn của ngành, tiềm năng phát triển cũng như và rào cản gia nhập thị trường hiện nay, có thể dự báo sẽ có một số lượng lớn các đối thủ tiềm ẩn đang có ý định tham gia vào thị trường Cơ điện, đặc biệt, phải lưu ý đến ý định xâm nhập của cả các doanh nghiệp mang yếu tố nước ngoài.
(Nguồn: Vietnam Report)